Từ những gánh hàng rong trên hè phố, các gian hàng ẩm thực đến các nhà hàng, khách sạn sang trọng đều có thực đơn các món ăn truyền thống của Indonesia. Dù ở đâu đặc điểm dễ nhận nhất của ẩm thực Indonesia chính là gia vị nồng cay trong tất cả mọi món ăn. Người Indonesia có cách ăn rất phong phú, nhiều gia vị, màu sắc hài hòa. Tuy nhiên, lúc nào trong khẩu phần ăn cũng đều có ba món: nước dừa, ớt và đậu phộng. Ớt và tiêu đỏ là những loại gia vị chính có mặt trong hầu hết các món ăn. Gia vị là yếu tố quan trọng nhất để chế biến thức ăn nên người Indonesia khá “mạnh tay” khi nêm nếm. Bởi vậy, những món ăn tại đây thường có vị cay nồng, vị mặn quá tay và vị ngọt quá gắt. Nếu không quen ăn cay, khi đến các quán ăn tại Jakarta, bạn phải nói “Tidak pakai cabe” để dặn dò đầu bếp nêm nếm gia vị vừa phải.
1. Ketoprak
Ketoprak là một trong những món ăn nổi tiếng nhất Jakarta, được bán nhiều trên đường phố bởi những nhười bán hàng rong và xe bán hàng lưu động. Món Ketoprak bao gồm bún, đậu phụ chiên, dưa chuột cắt lát, ketupat (gạo được bọc trong lá và hấp), và giá sống, sau đó đổ nước xốt đậu phộng ngọt và bánh cracker lên trên. Đối với những ai chưa từng thử xốt đậu phộng ngọt cho món chính trước đây thì có thể món ăn này sẽ có vị hơi lạ một chút. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng phần ngon nhất của món ăn này chính là bánh cracker hơi mặn được nhúng vào xốt đậu phộng ngọt. Đây là món ăn bạn phải nếm thử khi đến Jakarta.
2. Satay
Khi đến Jakarta hay Indonesia, du khách phải thưởng thức món satay nổi tiếng của người Indonesia. Nếu chưa thưởng thức món này thì xem như chưa đến Indonesia. Satay là món ăn nổi bật tại Jakarta, gồm thịt gà, dê, cừu, bò, heo thái lát mỏng, tẩm ướp một số gia vị như: sả, hành tím, tỏi, quế, nghệ, mật ong, bột đậu phộng; sau đó, thịt được xiên vào qu e tre và nướng. Món satay thường dùng với dưa chuột ngâm chua để tạo mùi vị lạ và không ngán. Mùi thơm nồng của thịt nướng, vị cay cay xen lẫn một chút vị chua của thịt sẽ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất. Tại Indonesia, các nhà hàng, quán ăn thường “biến hóa” satay, để tạo nên sự phong phú và đa dạng. Đến Jakarta, du khách có thể dễ dàng thấy món Satay ở các quán ăn ven đường, nhà hàng cao cấp.
3. Canh Soto
Canh Soto có cách chế biến khá lạ: tất cả các nguyên liệu đều được nghiền nát, nhuyễn mịn trước khi chế biến. Các nguyên liệu đặc trưng của canh Soto là dầu bắp, thịt gà hoặc thịt bò. Đặc biệt, món canh Soto còn có thêm hương vị của xì dầu – loại nước tương làm từ đậu nành. Món canh Soto có thể ăn không hoặc ăn kèm bún tươi. Món canh Soto có vị ngọt, nồng hương ớt nhưng cũng có độ cay vừa phải.Hương vị đặc trưng này của canh Soto khiến cho du khách đã dùng một lần vẫn muốn thưởng thức thêm lần nữa. Du khách có thể dễ dàng thưởng thức hương vị của canh Soto tại các nhà hàng phục vụ món ăn truyền thống ở Jakarta.
4. Cơm rang Nasi
Nasi goreng có nghĩa là “cơm chiên” ở Indonesia. Một bữa ăn cơm Nasi goreng bao gồm cơm chiên trắng ăn kèm với các món ăn phụ khác như rau, nước sốt… Món Nasi goring đặc biệt còn được chiên cùng me và ớt, hoặc thêm trứng và tôm. Điểm ấn tượng của cơm rang Nasi chính là vị chua chua, cay cay hòa tan trong từng hạt cơm. Những món ăn phụ đi kèm với cơm rang Nasi giúp cho thực khách ngon miệng hơn và không cảm thấy ngán. Đối với du khách mới thưởng thức món Nasi goreng sẽ hứng thú hơn khi được phục vụ cùng rau bắp cải và món thịt truyền thống của Indonesia.
5. Súp thịt viên
Món súp thịt viên được chế biến từ thịt bò hay thịt heo, là món ăn thường có trong bữa ăn hàng ngày của người Indonesia. Món ăn đơn giản, dễ chế biến nhưng mang đậm hương vị truyền thống của ẩm thực Indonesia. Người Indonesia thường dọn món canh này khi mời cơm khách. Du khách có thể thưởng thức món súp thịt viên với giá khá bình dân tại các nhà hàng tại Jakarta. Tại một số nhà hàng cao cấp, món súp thịt viên được chế biến thêm các gia vị cho phù hợp với khẩu vị của khách du lịch.
6. Mì xào Java
Các món mì xào là món ăn ưa thích của người dân Indonesia. Nhìn chung các món mì được làm bằng các loại ngũ cốc như gạo, nếp, đậu xanh, đậu nành… Sợi mì mềm dai vừa ăn thấm đậm các hương vị xào kèm với các loại rau củ quả đặc trưng. Các loại mì xào Java có màu sắc và hương vị đầy cuốn hút, độ cay thì ở mức hơi the the. Du khách dùng món mì có thể cho thêm các loại nước chấm truyền thống. Đây là một nét riêng của các món ăn ở Indonesia.
7. Thịt bò rendang & sambal
Rendang là một món ăn có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc Minangkabau của Indonesia. Món ăn nhanh chóng trở thành món ăn nổi tiếng được nhắc đến khắp nơi trên thế giới. Rendang là một trong những món ăn đặc trưng của văn hóa Minangkabau. Rendang được chế biến để phục vụ những dịp lễ. Rendang được chuẩn bị theo phương cách truyền thống trong các dịp lễ hội ở Indonesia. Món rendang đôi khi được mô tả giống như món cà ri. Nhưng qua xác thực rendang không có gì giống như món cà ri. Rendang được làm từ thịt bò hoặc. Từ từ được nấu chín trong nước dừa và gia vị vài giờ cho đến khi tất cả chín mềm hoà vào nhau tạo nên độ sánh cần thiết. Các gia vị có thể bao gồm gừng, hẹ tây, riềng, lá nghệ, cỏ chanh và ớt.Rendang gà hay vịt cũng có chứa thêm me và thường là không cho nấu chín như thịt bò. Có hai loại rendang: khô và ướt. Rendang sấy khô có thể được giữ cho 3- 4 tháng, được dành cho những dịp lễ; Rendang ướt còn gọi là kalio có thể dùng trong vòng một tháng.