Tháp Pôklông Garai nằm trên đồi Trầu cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm hơn 7 km về phía Tây. Tháp Pôklông Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV bởi nhà vua Chế Mân. Đây được xem như tuyệt tác kiến trúc, điêu khắc rực rỡ nhất của nền văn minh Chăm.
Quần thể kiến trúc độc đáo
Tháp Pôklông Garai không phải một tháp duy nhất mà bao gồm quần thể 6 tháp, nhưng hiện tại chỉ còn 4 tháp nguyên vẹn. Có thể nói quần thể tháp Chàm Pôklông Garai là công trình kiến trúc nghệ thuật quý hiếm ở nước ta và đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của nền văn hóa Champa vào năm 1979.
Tháp chính của quần thể tháp Chàm Pôklông Garai thờ vị vua Pôklông Garai (1151 – 1205). Vị vua này đã có nhiều cống hiến to lớn trong việc khai khẩn vùng đất phía nam của dân tộc Chăm cũng như có công lao to lớn trong việc trị vì đất nước hưng thịnh, ấm no, hạnh phúc. Ông cũng được thần dân của mình rất thán phục, ông đã từng mắc bệnh hủi nhưng vẫn rất kiên cường, dũng cảm đối mặt.
Tháp chính được xây dựng với hình tứ giác cao khoảng gần 22 m. Ngôi tháp bao gồm cửa chính nằm ở hướng Đông, phía trên cửa có thiết kế mài vòm được đỡ bằng hai trụ đá lớn. Trên hai trụ đá này có chạm khắc những chữ của dân tộc Chăm cổ đại. Phía bên trên của cửa chính có tượng phù điêu của thần Siva đang múa.
Điều đặc biệt của ngôi tháp này chính là mỗi cạnh, mỗi mặt của mỗi tầng tháp đều được trang trí bởi những họa tiết độc đáo bằng đá, bằng gốm với những hình dạng thú vị như: hình con bò thần, đuôi rồng, hình người, hình chiếc lá… Người ta cũng tìm thấy những chiếc bát vàng, đồ trang sức vàng, trang sức bạc quý báu trong những lần khai quật, tu sửa.
Quần thể tháp Pôklông Garai còn gồm tháp Cổng nằm ở hướng Đông và tháp mang tên Thần Lửa ở hướng Nam. Hai tháp này được xây dựng với hình mái thuyền độc đáo và cũng được trang trí bởi những họa tiết đá, họa tiết gốm hình người, hình bò thần, chiếc lá… giống như tháp chính.
Những ngôi tháp Chăm độc đáo Ninh Thuận đã thật sự đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Không những dung hòa được lối kiến trúc của dân tộc Chăm và dân tộc Khmer mà còn tạo được nét độc đáo, ấn tượng so với những kiến trúc tháp Chàm khác.
Gắn liền với truyền thống
Di tích quần thể tháp Pôklông Garai luôn gắn liền với những truyền thống, tín ngưỡng của dân tộc Chăm nơi đây. Cứ vào ngày mùng 1 tháng 7 hằng năm đồng bào Chăm địa phương sẽ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn to lớn của vị vua Pôklông Garai. Đây được xem như nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm.
Lễ hội này được gọi là lễ hội Katê, lễ hội được diễn ra rộng rãi, đồng loạt khắp các tháp Chăm của các làng người Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội sẽ bao gồm các lễ như: lễ rước trang phục, rồi đến mở cửa tháp, sau đó là tắm thần, mặc trang phục và đại lễ…
Du lịch đến quần thể tháp Pôklông Garai, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc, điêu khắc của dân tộc Chăm . Ngay dưới chân tháp còn có Bảo tàng văn hóa dân tộc Chăm để du khách tham quan tìm hiểu thêm về nét đẹp văn hóa cũng như phong tục tập quán của dân tộc Chăm.
Thu Thủy