Tết cổ truyền của đất nước mặt trời mọc

Người Nhật Bản hiện tổ chức đón năm mới vào ngày 01/01 hằng năm theo dương lịch. Trước năm 1873, người dân xứ mặt trời mọc thường đón năm mới theo âm lịch, như Tết Nguyên đán của Việt Nam; tuy nhiên, kể từ năm 1873 trở về sau, Nhật Bản đã tổ chức Tết theo dương lịch nhằm tiết giảm thời gian cũng như đem lại nhiều ích lợi cho kinh tế.

Để chuẩn bị đón năm mới, trong nhũng ngày cuối năm cũ, các gia đình Nhật Bản đều có tập quán dọn dẹp nhà cửa, trang trí kadomatsu trước cổng và shimekazari trên cửa ra vào và bàn thờ. Kadomatsu được làm từ cành thông cùng tre và mai để đón Thần năm mới; còn shimekazari có ý nghĩa đuổi quỷ trừ tà. Bánh dày năm mới kagamimochi được bày trên tokonoma là góc trang trọng nhất trong nhà, được coi là chỗ ngồi của Thần. Bánh này được làm từ loại gạo nếp mà người Nhật cho rằng mang hồn của cây lúa.

Những món ăn đặc biệt dành riêng cho ngày Tết người Nhật gọi là Osechi bao gồm súp Ozoni (được nấu khá công phu với các thành phần: bánh gạo tẻ, tảo biển, hải sản hoặc thịt gà), mứt đậu đen, Tazukuri (cá mòi tẩm đường và tương rán giòn), Ie Sebi (tôm rán vàng), bánh dày… được xếp trong một hộp hình khối chữ nhật trong đỏ ngoài đen.

Ngay từ đêm 31/12 đến 1/1, người Nhật ăn mặc rất đẹp, phụ nữ duyên dáng trong những bộ trang phục Kimono rực rỡ ra phố, thanh niên thì họ thoải mái hơn trong cách ăn mặc, đầu tóc. Năm mới, người Nhật cũng đến chùa để cầu nguyện, đến đây họ không như một số nước khác là đôt hương hay vàng mã. Đêm giao thừa các gia đình đều chờ nghe 108 tiếng chuông để đón chào Thần năm mới. Đêm giao thừa cả gia đình vui đón Tết và ăn một loại mỳ truyền thống, có sợi mỳ dài, thể hiện sự trường thọ, sống lâu.

Tiệc mừng trong ngày Tết của họ có rượu sake , một loại rượu làm từ gạo với phương thức cổ truyền của Nhật. Tết họ cũng thường đến chùa đền, đi lễ cầu sức khỏe, tài lộc. Người Nhật cũng có tục lệ là đầu năm đi khai bút đầu xuân.

Sáng mồng 1 Tết, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới (Oshogatsu). Đầu tiên là rượu mừng năm mới otoso trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ. Mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tiếp đến là món ăn ngày Tết osechi sau khi cúng Thần năm mới. Tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè cũng được tiến hành kể từ sau Lễ đón Giao thừa năm mới. Riêng với việc tặng quà hoặc bưu thiếp chúc mừng năm mới trong các mối quan hệ mang tính đối ngoại giữa các cá nhân với nhau; cá nhân với một tổ chức cơ quan, công ty; cơ quan, công ty với nhau… thông thường đều được thực hiện từ những ngày cuối năm cũ giáp Tết và kể cả trong những ngày Tết, có thể bằng tặng trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Từ mồng 2 các hoạt động như viết thư pháp, võ, lễ hội trà đạo, ngắm hoa sẽ diễn ra, những ngày tiếp theo thì tùy theo mỗi gia đình, theo sở thích, kế hoạch riêng của họ, đi chơi hay đi du lịch ngắn ngày . Tục quán đón Tết là đến mồng 3 Tết nhưng thường sẽ kéo dài hơn. Ngày Tết là dịp để bạn bè, họ hàng, người thân được gặp nhau, đoàn tụ.

Trong dịp Tết, người dân xứ mặt trời mọc còn có truyền thống làm thơ. Người Nhật cũng có thói quen lái xe đến bờ biển hoặc leo núi để họ có thể thấy mặt trời mọc đầu tiên trong năm mới…

Đến ngày 15/1 cũng là một trong những ngày lễ lớn ở Nhật bản, lễ “ Tình Nhân”, hay còn gọi là lễ trưởng thành. Lễ thành nhân là ngày lễ dành riêng cho nam, nữ bước qua tuổi 20, các bạn nữ thường mặc những bọ Kimono truyền thông nhiều màu sắc, duyên dáng. Các bạn nam thi mặc những bộ đồ trang trọng, lịch sự như comple, có cavat và thắt nơ.

Tất các bạn này sẽ được mời đến tòa thị chính vào buổi sáng hôm đó. Buổi lễ bắt đầu họ sẽ được nghe những bài đọc diễn văn của các chính quyền, tổ chức, sau đó họ sẽ được nhận những món quà làm kỷ niệm.