Những món quà của xứ sở sương mù

Đến với Đà Lạt không những du khách được hưởng thụ bởi khí hậu mát mẻ quanh năm và khung cảnh thiên nhiên tuyệt sắc.Mà du khách có thể mua những món quà về tặng người thân bạn bè.

Rượu vang Đà Lạt

Nổi tiếng nhất là thương hiệu vang Đà Lạt. Có mặt từ năm 1999, vang Đà Lạt nhanh chóng trở thành thức uống và món quà được nhiều người ưa chuộng.
Vang là một loại rượu nhẹ được chiết suất từ trái cây tươi, mà phổ biến là nho, mận…, nhưng vang Đà Lạt lại được chế biến từ trái dâu tằm. Cây dâu tằm làm rượu vang không giống với dâu mà người ta thường trồng để nuôi tằm. Thay vì ít lá, loại dâu này cho nhiều trái, những trái dâu đen thẫm, cuộn xoắn như từng chùm nho nhỏ xíu. Dâu làm rượu vang chỉ thích hợp trồng ở vùng khí hậu lạnh. Sản phẩm rượu được lên men từ các loại trái cây đặc trưng, qua quá trình chế biến bằng công thức truyền thống và công nghệ hiện đại, rượu vang ra đời với hương vị thơm ngon, đậm đà, mang tính năng bồi bổ sức khỏe, thường xuyên xuất hiện trên các bàn tiệc, bữa ăn gia đình của nhiều người trên khắp cả nước.
Mứt Đà Lạt

Đà Lạt quả là kinh đô của các loại mứt. Chỉ là những loại cây trái, rau, củ quả với những hương vị ngọt dịu hay chua thanh đã làm nên đặc sản mứt nơi đây. Mứt Đà Lạt ngày càng đa dạng, những loại mứt ngon bày bán rất đẹp mắt, tiện cho người tiêu dùng. Có đến hơn 30 loại mứt đặc biệt chỉ Đà Lạt mới có. Nào là mứt mận, mứt khoai, mứt hồng… Ngoài ra còn nhiều vô số những loại mứt biến tấu khác như từ dâu tây có kẹo dâu khô, kẹo dâu bạc hà… Từ trái mận, chế biến thành các loại mứt mận khô, mận xí muội… Từ trái hồng lại có hồng khô, hồng giòn, hồng dẻo… Củ khoai lang dân dã cũng biến thành thứ mứt đặc biệt về hình thức và hương vị – khoai lang dẻo, khoai lang giòn, khoai lang gừng… Những nông sản như đậu, càrốt, khoai môn, bí… cũng thành mứt đặc sản. Hay những quả cà chua làm thành mứt không quá ngọt mà hầu như còn giữ nguyên được vị tươi ngon của cà chua vừa chín tới. Độc đáo nhất có lẽ là loại mứt hoa hồng được làm từ cánh hoa hồng. Nghe thì thật khó tin nhưng khi thưởng thức mới thấy vị ngọt dịu của cánh hoa hồng, lại thêm vị chua thanh giòn sần sật…
Không cao sang như nhiều đặc sản khác nhưng mứt Đà Lạt đã níu giữ biết bao du khách khi đến để rồi hương vị ngọt ngào ấy lại theo chân họ đi đến mọi miền đất nước.

Ở Đà Lạt, mứt được bầy bán nhiều nhất ở chợ Đà Lạt. Ngay lối vào tầng trệt của chợ là hơn 150 gian hàng chuyên bán các loại mứt và nhiều đặc sản khác của thành phố. Bao quanh chợ là khoảng 50 gian hàng nữa.

Trà Đà Lạt

Atiso được trồng nhiều ở vùng ngoại ô Đà Lạt, đặc điểm của loại cây này là từ thân, rễ, lá, bông đều hữu dụng có tác dụng chữa các bệnh về gan mật, lợi tiểu. Hiện có nhiều cơ sở cùng tham gia sản xuất trà túi lọc – một sản phẩm phổ biến dùng trong các công sở Đà Lạt – Lâm Đồng nhưng quen thuộc nhất vẫn là của công ty CP dược y tế Lâm Đồng, Vĩnh Tiến, Ngọc Duy, Quảng Thái. Atiso được bán rộng rãi ở các điểm du lịch, chợ Đà Lạt, công viên Xuân Hương…

Dâu tây Đà Lạt

Quả Dâu tây có mùi thơm quyến rũ, vị ngọt thanh pha lẫn vị chua được người tiêu dùng ưa chuộng. Khả năng cung cấp năng lượng của dâu tây không cao (100g dâu tây cho khoảng 34 Calo) nhưng cung cấp nhiều loại sinh tố cần thiết cho cơ thể con người. Trong phần thịt của quả dâu tây có các loại sinh tố A, B1, B2 và đặc biệt là lượng sinh tố C khá cao.
Dù dâu tây đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng thật tiếc là việc dùng dâu tây chưa phổ biến lắm ở Việt Nam, chỉ khi khách du lịch lên Đà Lạt mới mua vài ký làm quà tặng người thân. Dâu tây là loại trái cây rất ngon và làm được nhiều món ăn, nước uống bổ dưỡng như: rượu dâu, mứt dâu, mật dâu, cocktail, sinh tố, confiture dâu… Nếu ăn tươi chấm muối thì mới thưởng thức được 50% hương vị, muốn ngon phải chế biến thêm được nhiều món.