Được mệnh danh là thiên đường giữa biển, Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong những năm gần đây. Du lich Phu Quoc thu hút khách không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi sự hấp dẫn của ẩm thực nơi đây.
Là thiên đường biển cho nên những món ăn ở Phú Quốc chủ yếu làm từ nguyên liệu hải sản là chính. Không bởi vậy mà đơn điệu đâu nhé, các nguyên liệu biển được con người vận dụng linh hoạt, kết hợp khéo léo tạo nên nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Nếu bạn có thể du lich le 2/9 đến với Phú Quốc thì hãy cố gắng thưởng thức món ngon và mua những đặc sản nơi đây về làm quà nhé.
Gỏi Cá Trích
Đầu tiên phải kể đến Gỏi cá trích–là một trong những món ăn ưa thích của người dân xứ đảo nói riêng và khách du lịch nói chung. Cá trích có rất nhiều ở vùng biển Phú Quốc và ngư dân có thể khai thác quanh năm. Vì thế, việc lựa chọn những con cá mới đánh bắt được còn tươi để làm gỏi là không mấy khó khăn. Đây cũng là lợi thế của biển đảo Phú Quốc và cũng là điều kiện thuận lợi để cho cư dân ở đây nghĩ ra cách chế biến gỏi cá trích. Món gỏi ngon lành này được chế biến từ những con cá trích béo tròn, tươi ngon mới được bắt. Cá được đánh vảy, làm sạch rồi lóc lấy phần thịt phi lê, trộn cùng dừa nạo, hành tây thái mỏng, hành tím và ớt thái sợi. Món nước chấm chính là điều làm nên sự đặc biệt của món gỏi này, chỉ có cá trích thật tươi & nước mắm Phú Quốc mới có thể làm được món gỏi cá trích thật ngon.
Rượu Sim
Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được. Hơn nữa, sim thì có rất nhiều trong các cánh rừng của đảo Phú Quốc và cư dân ở đây cũng tự biết cách chế biến những quả sim chín này thành một thứ nước uống có hương vị rất đặc trưng, gần giống với rượu nho. Sim rừng xứ đảo có 2 loại, hồng sim và tiểu sim. Trái sim dùng làm rượu ở Phú Quốc chủ yếu là hồng sim, khi trái chín mọng ngả sang màu tím sậm huyền bí. Rượu Sim với mùi thơm đặc trưng của trái sim rừng, có vị ngọt thanh pha lẫn vị chát níu giữ bao tấm lòng du khách. Rượu sim Phú Quốc được lên men tự nhiên với công nghệ cao được những đơn vị khoa học hàng đầu Việt Nam kiểm nghiệm, chuyển giao.
Mực Trứng Nướng
Đây là món khoái khẩu của nhiều thực khách đến đây, tuy đơn giản nhưng hương vị của nó thì cuốn hút bất kì ai thưởng thức qua. Những con mực trứng tươi ngon được rửa sạch, ướp với muối ớt, dầu ăn để trong khoảng 15 phút cho ngấm đều gia vị rồi nướng trên bếp than hồng. Mực khi nướng lên tỏa ra một mùi thơm khó cưỡng lại. Mực thì tươi ngọt ăn kèm với ít muối ớt chanh và rau răm mang lại cảm giác ngon miệng vô cùng.
Ốc Hương
Là một đặc sản của biển Phú Quốc. Gọi là ốc hương bởi lẻ dù luộc mộc, mùi ốc vẫn tỏa hương, ngan ngát như mùi lá dứa, khêu gợi khứu giác thực khách chứ không tanh như nhiều loại ốc khác. Đối với ốc hương thì có nhiều cách chế biến khác nhau như chỉ luộc chấm tiêu chanh, nướng lên hay tẩm bột chiên giòn, với mỗi cách chế biến thì hương vị món ăn lại mang đến cho du khách những cảm giác khác biệt.
Nhum Biển ( Cầu Gai)
Nhum biển hay còn gọi là cầu gai là một trong những sản vật đặc trưng ở Phú Quốc. Trong khắp quần đảo, lặn xuống ghềnh đá nào cũng có thể bắt được nhum. Chế biến nhum, có lẽ công đoạn vất vả nhất là cắt hết số gai tua tủa bao quanh. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi to cỡ quả banh tennis. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt màu vàng đục bám dọc bên thành “quả cầu”, đó là phần quý của con nhum.Nhum cũng là món ăn độc đáo mà bạn không nên bỏ qua khi đến Phú Quốc. Nhum thường được chế biến bằng nhiều cách như ăn sống, nấu cháo hoặc nướng mỡ hành… Để ăn sống, người ta thường chọn những con cầu gai còn tươi vừa mới bắt lên, thêm một ít chanh và mù tạt, đánh đều rồi thưởng thức cùng cải bẹ xanh. Ngoài ra nếu bạn ngại ăn sống như thế thì còn có thể thưởng thức món cháo cầu gai hoặc cầu gai nướng mỡ hành thơm lừng, nướng lên thì thịt nhum có vị thơm và béo.
Bún Kèn Phú Quốc
Món ăn lạ lẫm từ ngay tên gọi. Món bún kèn vốn ít được nhắc đến trong các món ẩm thực Việt Nam. Món bún kèn này tại Phú Quốc cũng ít được người chế biến bán rộng rãi với quy mô lớn. Phần lớn là chỉ những người dân tại địa phương thực sự họ mua cá về chế biến nấu món ăn trong gia đình là nhiều. Nguyên liệu làm nên món bún kèn rất đơn giản, điểm khác nhau cơ bản là bún kèn trên đất liền nấu chủ yếu với cá lóc được lạng thành từng miếng dày, thì bún kèn Phú Quốc được nấu bằng cá nhàu hay cá ngân, hai loại cá biển rất hiếm thấy ở nơi đâu ngoài Phú Quốc. Tô bún kèn Phú Quốc muốn ăn ngon phải có một lớp gỏi đu đủ tươi giòn phủ bên trên hoặc bắp chuối (hoa chuối) và lẫn trong đó là một vốc cá đã được xay nhuyễn. Kế nữa là lớp bún đã được chan một lớp nước cốt sền sệt. Cuối cùng là rau thơm, dưa leo và giá trông rất đẹp mắt. Hương vị mà thực khách sẽ khám phá được chính là độ giòn tan của đu đủ, mùi thơm đậm chấtbiển của cá, vị béo nhưng không ngậy của nước kèn.
Tiết Canh Cua
Tiết canh lợn hay tiết canh vịt thì nhiều người biết nhưng chắc hẳn món tiết canh cua có vẻ lạ. Đến du lịch Phú Quốc bạn sẽ được thưởng thức món đặc sản này. Đây là món ăn khá cầu kì và công phu trong cách chế biến. Cua dùng làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, và nên lựa những con có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ khi ăn.Để có đủ tiết làm được một đĩa tiết canh cua loại thường, người ta phải cần từ ba đến bốn con cua loại lớn, mỗi con chừng bảy tám trăm gam đến một ký.Cua được luộc sơ, khi luộc cho vào một chút rượu đế… để cho thơm thịt cua. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, rồi trộn với gia vị cho đậm đà; trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.
Kế đến mới thực hiện giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân còn ngo ngoe chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết.Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt. Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon.
Bánh Tét Phú Quốc
Bánh Tét là món ăn không xa lạ với mọi người, là món bánh phổ biến trong các ngày Tết. Bánh tét trước giờ thường thấy ở dạng hình tròn tuy nhiên khi đến Phú Quốc bạn sẽ mở rộng tầm mắt với những đòn bánh tét hình tam giác. Đặc biệt hơn nữa người ta thay vì dùng lá chuối thì dùng lá mật cật để gói bánh. Lá mật cật hẹp, không to như lá chuối nên phải thật khéo léo. Và cảng phải cẩn thận vì bánh được cột bằng gân lá, chẳng thể nào mềm như lạt tre. Buộc chặt quá thì bánh chín không đều, lỏng quá thì bánh nong nước, nhão.Cũng là chiếc bánh tét bình nhưng gói bằng thứ lá đặc biệt này làm cho bánh cũng mang vẻ đặc biệt hơn. Bánh Tét Phú Quốc đã trở thành món đặc sản chỉ có ở Phú Quốc xinh đẹp này. Du khách rất thích mua bánh tét về làm quà.
Nấm Tràm
Nấm ngày nay được biết đến là loại thực phẩm phổ biến, giàu chất dinh dưỡng. Ở Phú Quốc có một loại nấm đắc biệt đó là nấm tràm. Nấm tràm có màu tím như màu quả mân cục, vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác. Vì vậy loại nấm này có giá từ 100 đến 150 ngàn đồng/1kg. Đây là nấm tự nhiên nên người dân trên đảo Phú Quốc phải đi vào những khu đồng tràm để hái mang về đem chế biến.
Nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu… Riêng trong việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, không thể thiếu, giúp các món ăn đậm đà hơn. Người dân Phú Quốc khôn khéo kết hợp nấm tràm với một số hải sản như tôm, mực, hào… tạo nên một món canh tuyệt vời. Lưu ý với bạn khi ăn canh nấm tràm sau khi chế biến rồi bạn không nên hâm nóng lại, khi hâm nóng lại sẽ ăn không tốt.
Nước Mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Vì vậy du khách thường chọn mua nó làm quà cho gia đình và bạn bè. Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có khoảng chục loại, nhưng chỉ có Sọc Tiêu, Cơm Ðỏ và Cơm Than là cho chất lượng nước mắm cao nhất. Sự khác biệt chính yếu của nước mắm Phú Quốc là màu cánh gián đặc trưng, hoàn toàn tự nhiên chứ không bằng cách pha màu như những nơi khác. Màu cánh gián này có được nhờ cách ướp tươi còn máu trong thân cá và thời gian ủ trong thùng gỗ tới 12 tháng.
Hồ Tiêu Phú Quốc
Tiêu là một nông sản có giá trị cao về mặt kinh tế, có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ở Phú Quốc ngày này trồng rất nhiều hồ tiêu. Tiêu Phú Quốc rất đặc biệt, vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào sánh kịp. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch. Các vườn tiêu luôn được đưa vào danh mục điểm đến trong các tour du lịch Phú Quốc. Quý khách tới vườn tiêu vào thời điểm thu hoạch, quý khách sẽ chiêm ngưỡng tiêu chín đỏ trên cây, thưởng thức mùi thơm cay nồng và học hỏi kinh nghiệm từ chính những nông dân đã gắn bó với vườn tiêu nhiều thế hệ.Du khách có thể dừng chân chụp ảnh và tham quan một vườn tiêu trên đường đi Bắc đảo, hoặc ở khu vực Suối Đá, trên đường đi thăm làng chài Hàm Ninh.
Theo kinh nghiệm du lịch Phú Quốc