Đặc sản Đà Lạt-Trái cây thơm mộng

Cây trái phân bố ở Lâm Đồng tương đối phong phú, có cả các loại cây ăn trái từ miền Bắc đến miền Nam, một số loại trở thành đặc sản nổi tiếng. Theo thống kê năm 2005 của Cục Thống kê Lâm Đồng, diện tích cây ăn trái của Lâm Đồng là 9.778ha, trong đó huyện Đạ Huoai có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh (2.427ha). Trái cây đặc sản của vùng đất nam Tây Nguyên này là bơ, hồng, mận, đào, dâu tây.

Trái bơ có nhiều giống nhưng chủyếu có hai loại bơ : bơ sáp và bơ nước được phân biệt tuỳ theo lượng nước và chất dinh dưỡng trong thịt trái bơ. Bơ sáp có lượng nước ít hơn bơ nước và nhiều chất dinh dưỡng, béo hơn bơ nước. Thịt trái bơ màu vàng giống như bơ chế biến từ sữa, chứa từ 3 đến 30% dầu thực vật, nhiều vitamin B1, B2 và chất dinh dưỡng.

Cây bơ được trồng nhiều ở Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, nhất là ở Bảo Lộc.
Trái hồng trồng tập trung nhiều ở Dran (Đơn Dương) và Xuân Trường, Xuân Thọ (Đà Lạt).

 

 

Hồng có nhiều giống (hồng dòn, hồng ngọt, hồng chát) phân biệt qua hình dạng, màu sắc và chất lượng của trái hồng. Mùa vụ thu hoạch hồng từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Sản lượng toàn tỉnh mỗi năm lên đến 15 ngàn tấn.
Riêng ở Đà Lạt hiện có khoảng 900 ha hồng, trong đó 80% sản lượng hồng Đà Lạt được bán tươi và mới chỉ có 20% được sấy khô đóng gói bán tại các quầy hàng đặc sản, ở các điểm du lịch.

Hồng còn được ngâm với vôi (hồng ngâm) vàsử dụng để làm rượu hồng.

Qua khảo sát thì người tiêu dùng rất ưa chuộng hồng sấy khô của Đà Lạt., song trên thực tế công nghệ sấy hồng khô chưa được ứng dụng nhiều. Mới đây Trung tâm khuyến công của tỉnh và thành phố Đà Lạt mới mở được một số lớp tập huấn sấy hồng khô cho các hộ gia đình. Do đó nghề sấy hồng khô ở Đà Lạt chủ yếu làm bằng thủ công là chính.


Cây mận đầu tiên được trồng trên cao nguyên Lang Biang tại Trạm Nông nghiệp Dankia thành lập năm 1898. Cây mận được canh tác nhiều tại Trại Hầm (phường 10), Trạm Hành (xã Xuân Trường) và rải rác ở các nơi khác trong thành phố Đà Lạt. Trước năm 1975, các giống mận có nguồn gốc từ Trung Quốc (Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ), Pháp, Áo,…

Khoảng năm 1995, một số người sản xuất tại Đà Lạt đã di thực giống mận Tam Hoa từ miền Bắc và trồng thử nghiệm thành công tại Đà Lạt. Cây mận Tam Hoa ghép trên gốc đào cho kết quả rất tốt.

Sản lượng mận của Đà Lạt ước tính khoảng 200 tấn/năm. Mận Đà Lạt được dùng ăn tươi, làm mứt, xí muội, làm rượu,… Mùa mận chính từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm.

Đào đã được trồng tại Đà Lạt từ lâu, hiện nay không có vùng nào chuyên canh đào nhưng hầu hết ở các địa phương trong thành phố đều có trồng đào.

Các giống đào ở Đà Lạt là đào Ai Lao (Vạn Tượng), Vân Nam, Florida.

Sản lượng đào ở Đà Lạt không lớn, trái chỉ dùng để ăn tươi và một ít làm mứt. Tuy nhiên, người dân Đà Lạt có tập quán dùng cành đào để chưng trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm nên cây đào vẫn được chú ý trồng trọt.

Dâu Tây dâu tằm lại được đưa vào chế biến thành các loại mứt, kẹo và trở thành một mặt hàng đặc sản của Đà Lạt. Ngoài đóng gói bỏ mối tại các tỉnh thành trong nước, mứt, kẹo từ dâu tằm, dâu tây còn là một mặt hàng chủ lực phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến tham quan Đà Lạt. Hầu như du khách tới Đà Lạt tham quan nghỉ dưỡng, khi ra về đều không quên mua món hàng đặc sản này cho người thân.

Sản phẩm từ trái dâu tây, dâu tằm rất đa dạng, nhưng tựu trung bao gồm các mặt hàng như: mứt, nước cốt dâu tằm, dâu tây hay kẹo dâu tằm,… ngoài ra còn làm hương liệu để sản xuất các loại kem dâu, nước ngọt có hương vị trái dâu. Trái dâu tây, dâu tằm, thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Đà Lạt, Đơn Dương nên được trồng tập trung ở hai địa phương này với diện tích 120 ha, trong đó Đà Lạt 100 ha, Đơn Dương 20 ha.

 

Qua

thống kê, hiện ở Đà Lạt có 30 cơ sở, hộ gia đình làm mứt, mật, nước cốt dâu và rượu dâu lên men tự nhiên. Chỉ tính riêng sản phẩm gồm mật, nước cốt dâu,… bình quân một năm đã lên đến 300 – 400 tấn, trong đó bình quân mỗi cơ sở sản xuất một năm cho ra khoảng 15 tấn sản phẩm.

Nhìn chung, các sản phẩm hồng sấy khô hay các loại mứt, mật dâu,… có mặt trên thị trường rất lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa trở thành thương hiệu đối với vùng đất giàu tiềm năng như Lâm Đồng – Đà Lạt. Các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, qui mô sản xuất còn thấp, đặc biệt công nghệ sản xuất, chế biến chủ yếu làm bằng thủ công. Vì thế đối với các mặt hàng đặc sản này chưa có một doanh nghiệp, cá nhân nào đầu tư vào chế biến với quy mô lớn và áp dụng công nghệ hiện đại. Trong khi đó sản phẩm từ trái hồng, trái dâu tây rất được khách du lịch ưa chuộng bởi hầu hết các sản phẩm làm ra đều nhắm tới đối tượng tiêu dụng là khách du lịch.